Hàng loạt ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo được phát triển từ Đề án 06
Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp các cơ quan liên quan, đối tác tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu trong nước, quốc tế đã ấn tượng trước khu vực triển lãm của Bộ Công an với các mô hình, giải pháp chuyển đổi số quốc gia, những sản phẩm khoa học công nghệ được phát triển từ Đề án 06 của Chính phủ.
Thông tin với PV, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Bộ Công an cho biết, chủ đề chính trong khu vực triển lãm của Bộ Công an là “Tạo lập và khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới từ Đề án 06 của Chính phủ”.
Tại đây, Bộ Công an cùng với những đơn vị chức năng trưng bày các sản phẩm, mô hình, giải pháp công nghệ, chuyển đổi số quốc gia; tạo lập, số hóa dữ liệu tập trung gắn với các mô hình triển khai. Dựa trên nền tảng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử (VNeID) với sự đồng hành cùng các doanh nghiệp đã triển khai rất nhiều sản phẩm ứng dụng giải pháp công nghệ, dữ liệu trên các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh, hàng không, tài chính ngân hàng, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát an ninh…
Trong gần 2 năm triển khai Đề án 06, trên Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, CCCD, VNeID, nhiều mô hình, sản phẩm cụ thể đã ra đời, góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Có thể kể tới như qua phân tích dữ liệu dân cư đã đánh giá mức độ khả tín công dân phục vụ khách hàng vay.
Sử dụng công nghệ máy học, trí tuệ nhân tạo theo tiêu chuẩn tham khảo tín dụng FICO tại Mỹ ra quyết định cho vay, xác định lãi suất của các khoản vay, xin việc làm, mua và thuê nhà, mua và thuê ôtô, mua sản phẩm bảo hiểm, mua các sản phẩm viễn thông, sử dụng các dịch vụ công, và một số lĩnh vực khác, đảm bảo đúng đối tượng cần cho vay, khẳng định chính sách an sinh hiệu quả, người dân tiếp cận được dùng với ngân hàng góp phần giảm tội phạm, hạn chế tín dụng đen.
Rất nhiều hệ thống ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội đã ra đời như hệ thống đào tạo trực tuyến MOOC đã cung cấp các lớp online cho hơn 100 nghìn cán bộ, công chức, viên chức toàn quốc tham gia. Trong thời gian tới, tiếp tục cung cấp các nền tảng, khóa học mở cho công chúng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, phục vụ chuyển đổi số nói chung.
“Hệ thống quản lý lưu trú ASM (Accommodation Management System) có chức năng thông báo lưu trú tới cơ quan đăng ký cư trú; tích hợp các chức năng quản lý phòng, giường bệnh, thiết lập bảng giá dịch vụ, quản lý bệnh nhân, khách lưu trú. Hệ thống quản lý lưu trú ASM cung cấp một giao diện thân thiện và dễ sử dụng cho người dùng, cho phép họ quản lý các khía cạnh quan trọng của hoạt động lưu trú một cách hiệu quả. Đặc biệt, cơ sở lưu trú có thể dễ dàng khai báo, thông báo thông tin khách đến lưu trú tới cơ quan quản lý một cách nhanh chóng và chính xác”- Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết.
Cũng theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, ASM cũng mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở lưu trú. Với hệ thống này, các cơ sở có thể quản lý thông tin về các phòng trống và loại phòng, kiểm soát tình trạng phòng trống và đặt chính sách giá linh hoạt. Họ có thể dễ dàng tạo và quản lý các giao dịch lưu trú, bao gồm đặt phòng, hủy đặt phòng và thay đổi lịch trình. Hơn nữa, ASM cung cấp báo cáo tổng quan và thống kê chi tiết về các hoạt động khai báo lưu trú, giúp cơ sở lưu trú nắm bắt được xu hướng và tăng cường quản lý kinh doanh.
Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và truyền tin cảnh báo cháy nhanh GSafe phục vụ công tác quản lý, điều hành chỉ huy PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) có nhiều tính năng ưu việt, đáp ứng được yêu cầu giám sát và cảnh báo cháy nổ đến từng cơ sở. Các vụ cháy, nổ được cảnh báo kịp thời một cách nhanh chóng trong mọi thời điểm, kể cả khi các cơ sở không có người trực như ban đêm, ngày lễ, ngày tết, do vậy việc triển khai công tác PCCC và CNCH nhanh hơn, giảm thiểu thiệt hại về người và của do cháy nổ gây ra.
Hệ thống cảnh báo cháy nhanh GSafe sẽ được triển khai tại Trung tâm giám sát GSafe của Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh nhằm tiếp nhận tin báo cháy, nổ của bất cứ cơ sở nào có kết nối thông qua Thiết bị cảnh báo và điều phối tin cháy. Tín hiệu cảnh báo cháy được truyền qua đường truyền Internet về Trung tâm Giám sát GSafe và thông báo tới chủ cơ sở, công trình bằng điện thoại, tin nhắn, ứng dụng sẽ hiển thị thông tin đầy đủ, chi tiết về phương án PCCC và các đầu mối liên lạc của cơ sở trong trường hợp cháy nổ; vị trí các xe chữa cháy gần nhất và đường đi ngắn nhất đến cơ sở, vị trí các họng, trụ nước chữa cháy quanh khu vực cơ sở, thông tin của các lực lượng phối hợp cứu nạn cứu hộ như Cảnh sát trật tự, Công an phường, cứu thương và vị vị trí các xe chữa cháy được điều động di chuyển trên nền bản đồ số… Qua đó giúp cho lãnh đạo chỉ huy, điều hành công tác cứu nạn cứu hộ và chữa cháy, phối hợp với các lực lượng liên quan đặc biệt là lực lượng PCCC của cơ sở được nhanh chóng hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cũng như giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có cháy nổ xảy ra.
Trên lĩnh vực ngân hàng, từ ứng dụng Đề án 06, dữ liệu dân cư, CCCD, VNeID, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng đầu tiên tích hợp thành công giải pháp đọc CCCD chip để định danh khách hàng trong các giao dịch ngân hàng đồng bộ trên tất cả các kênh giao dịch. Công nghệ mới này cho phép khách hàng không cần mang theo bất cứ giấy tờ tùy thân nào bên người và không cần sử dụng chữ ký để giao dịch. Khách hàng được bảo mật thông tin chặt chẽ, rút ngắn thời gian giao dịch, giảm thiểu chứng từ giấy, nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng trong giao dịch với ngân hàng…
Đối với sản phẩm Smart Checkin ứng dụng CCCD, VNeID trong kiểm soát an ninh hành khách tại các cảng hàng không, nhà ga đường sắt đô thị được tự động hóa và rút ngắn quy trình kiểm tra, tăng cường đảm bảo an ninh, đồng thời vẫn đảm bảo tính chính xác, liền mạch của dữ liệu trong nhiều điều kiện, bối cảnh phức tạp. Kiosk dịch vụ công là giải pháp được trang bị cho các cơ quan Nhà nước và hướng đến mọi đối tượng công dân, doanh nghiệp sử dụng. Đây là bước tiến trong cải cách hành chính, giải pháp tạo điều kiện cho người dân tự thực hiện thủ tục hành chính công trên môi trường điện tử như: hỗ trợ thông tin, tiếp nhận, tra cứu hồ sơ trực tuyến…
Hệ thống Kiosk dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại, gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân. Với khả năng hoạt động 24/7 đã tạo điều kiện cho người sử dụng dễ dàng giao dịch gửi hồ sơ và nhận kết quả bất kỳ thời gian nào trong ngày. Giải pháp này cũng giúp giảm tải cho các đơn vị tiếp nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, Kiosk đã triển khai các chức năng như: tra cứu hồ sơ, thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại.
Chỉ cần sử dụng CCCD gắn chip tại các Kiosk y tế ở những bệnh viện giúp bệnh nhân/người nhà bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) có thể tự đăng ký dịch vụ và thanh toán chi phí đăng ký KCB một cách nhanh chóng và dễ dàng, xuyên suốt dữ liệu. Kiosk y tế giải quyết vấn đề phân luồng bệnh nhân thông minh bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt, giúp nhận diện chính xác bệnh nhân đến khám lần đầu và bệnh nhân cũ; xác thực thẻ CCCD gắn chip do Bộ Công an phát hành, đồng thời xác minh người bệnh đang thực hiện đăng ký khám bệnh là chủ nhân của thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) và CCCD gắn chip. Ngoài ra, giải pháp còn xác định và phân loại bệnh nhân thuộc đối tượng ưu tiên (Trẻ em dưới 6 tuổi, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng....).
Để tăng cường đảm bảo, giữ gìn ANTT tại phường, xã, hệ thống RAR-HANET Camera trí tuệ nhân tạo kiểm soát an ninh đường phố đã được triển khai, xử lý, gửi cảnh báo ngay lập tức khi xảy ra các sự kiện có thể gây mất an toàn, an ninh cho Công an phường, xã.
Ứng dụng này cũng được triển khai trong cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nhằm kiểm soát an ninh, chấm công, điểm danh, phát hiện tội phạm và xác thực thông tin danh tính của người lao động, tránh các trường hợp giả mạo, chưa đến tuổi lao động hoặc tội phạm trà trộn vào doanh nghiệp. Giải pháp không chỉ tiết kiệm thời gian chấm công hàng ngày, tiết kiệm nhân lực giám sát an ninh, mà còn giúp giảm thiểu rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.
Theo Hoàng Phong - Minh Hiền/CAND.
Bài viết liên quan
Bộ TT&TT phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024
23-09-2024
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Bộ nhận diện này được đăng tải trên Cổng Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ: https://dx.gov.vn.
Lùi thời điểm tắt sóng 2G đến ngày 15/10
23-09-2024
Ngày 13/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT liên quan đến quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT. Với Thông tư này, thời điểm tắt sóng 2G đã được lùi lại một tháng, đến ngày 15/10/2024.
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
23-09-2024
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.