Việt Nam sẽ tắt sóng 3G vào năm 2028
Theo đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm gần đây, số lượng các nhà khai thác trên thế giới dừng công nghệ 2G tăng lên đáng kể. Tính đến tháng 6 năm 2024, có khoảng 37 quốc gia tắt hoàn toàn mạng 2G. Theo báo cáo của GSA, tất cả các nước đều lên kế hoạch dừng cả 2 công nghệ này vào năm 2030.
Tại Việt Nam, theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, qua nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các doanh nghiệp, Bộ xác định công nghệ 2G, 3G đều là công nghệ cũ, tuy nhiên, 2G là công nghệ cũ hơn. "Hầu hết thiết bị mạng 2G của các doanh nghiệp di động đã hết khấu hao, lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn, hiệu suất sử dụng tần số không cao, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa. Do vậy, chủ trương dừng công nghệ 2G đã được đồng thuận và thể hiện tại thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz", đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu.
Cụ thể, việc dừng công nghệ 2G sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, vào tháng 9/2024 sẽ dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only). Đến tháng 9/2026 dừng hoàn toàn hệ thống 2G. Hiện nay, các doanh nghiệp dựa trên thực tế khai thác của mình sẽ tắt dần các trạm 2G ở khu vực không phát sinh lưu lượng qua mạng 2G.
Dự kiến tháng 9/2028, Việt Nam sẽ dừng công nghệ 3G.
Với công nghệ 3G, hiện nay đã có doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch dừng. Bộ cũng đặt lộ trình dừng hoàn toàn công nghệ 3G vào tháng 9/2028.
Theo đại diện Cục Viễn thông, tính đến tháng 5/2024, số thuê bao 2G Only còn hơn 11 triệu thuê bao, chiếm khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc. Theo kế hoạch thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, các doanh nghiệp di động báo cáo dự kiến số thuê bao 2G Only đến tháng 9/2024 sẽ giảm về 0 hoặc còn số lượng chiếm dưới 5% tổng số thuê bao di động của doanh nghiệp.
Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã đề nghị các nhà mạng di động triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế trạm thu phát vô tuyến 2G tại khu vực tắt sóng, chú trọng phát triển hạ tầng tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm bảo đến năm 2025, tất cả thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G.
Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cá thể hóa công tác truyền thông và hình thức hỗ trợ để phù hợp với các thuê bao thuộc hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố có giải pháp hỗ trợ người sử dụng, đặc biệt là nhóm yếu thế.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, sẽ tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như truyền thông tới từng thuê bao, có giải pháp hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng, nhất là người già, người có thu nhập thấp, sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Theo Báo tienphong.vn
Bài viết liên quan
Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu triển khai toàn diện và trọng tâm dịch vụ bưu chính
22-10-2024
Ngày 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu (GTEL), Bộ Công an và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VIETNAM POST).
Hội thảo "Triển khai phần mềm khai báo lưu trú trên Hệ thống quản lý lưu trú ASM" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
17-10-2024
Chiều ngày 10/10/2024 tại Sở du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo "Triển khai phần mềm khai báo lưu trú trên Hệ thống quản lý lưu trú ASM"...
Bộ TT&TT phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024
23-09-2024