Bộ Công an và Bộ Quốc phòng ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06
Chiều 13/10, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Cùng dự buổi lễ có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của hai bộ.
Tại buổi lễ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Theo đó, công tác phối hợp nhằm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ các hoạt động quân sự, quốc phòng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án 06; tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 trong Bộ Quốc phòng đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả.
Hai bộ thống nhất triển khai xây dựng và cập nhật thường xuyên, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa hai bộ. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an định kỳ hàng năm tổ chức các hoạt động phổ biến kiến thức, hướng dẫn, tập huấn thực hiện các giải pháp về khai thác an toàn, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD; thông báo kịp thời những nội dung, kết quả, kinh nghiệm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiêu biểu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.
Đặc biệt, trong công tác quân sự, quốc phòng sẽ kết nối, khai thác dữ liệu công dân trong độ tuổi nhập ngũ, độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị làm dữ liệu đầu vào trong thực hiện các thủ tục hành chính về nghĩa vụ quân sự; kết nối một số hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Quốc phòng với hệ thống định danh và xác thực điện tử, ứng dụng VNeID để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công tại các cơ quan, đơn vị; xây dựng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác quản lý biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và công tác nghiệp vụ cảnh sát biển.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, hai bộ thống nhất phối hợp xây dựng giải pháp kỹ thuật cho phép xác thực nhân thân của đối tượng dựa trên các thông tin thu thập được trong quá trình tuần tra, kiểm tra trên thực địa; chia sẻ các thông tin phục vụ công tác phòng, chống tội phạm giữa các cơ quan chức năng của hai bộ. Một số thông tin cụ thể như: Lý lịch tư pháp; thông tin tiền án, tiền sự; thông tin xuất nhập cảnh; thông tin thi hành án dân sự,… của công dân.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thống nhất quá trình triển khai thực hiện đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao; đảm bảo đạt được các mục tiêu của Đề án 06 và phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình thực tế trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an được giao là đầu mối phối hợp và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo hai bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có đầy đủ các yếu tố, điều kiện, thế mạnh để hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữa hai Bộ chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cũng như nhu cầu của hai bộ.
Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị hai bộ tiếp tục quán triệt và thực hiện đầy đủ các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ giao; tuyên truyền, quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung của Kế hoạch phối hợp đến các cơ quan, đơn vị của hai bộ, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch phối hợp.
“Tích cực tổ chức thực hiện, huy động mọi nguồn lực, làm đồng bộ, bài bản từ chủ trương, chính sách, trang bị, tiềm lực khoa học công nghệ, tài chính, con người. Song song với quá trình khai thác dữ liệu dân cư, chúng ta cần phải tiếp tục bổ sung, làm giàu cơ sở dữ liệu dân cư”- Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của hai bộ cần phối hợp nhịp nhàng, thực chất, hiệu quả trong quá trình thực hiện; kiểm soát chặt chẽ tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất lãnh đạo bộ chỉ đạo những vướng mắc, phát sinh, nhất là về hành lang pháp lý, những nội dung vượt quá thẩm quyền hoặc cần phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị. Định kỳ, tiến hành công tác sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp, đề xuất bổ sung những nội dung mới cần phối hợp.
“Cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung các ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm tạo ra các giá trị mới. Dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn tài nguyên mới, càng kết nối, liên thông, chia sẻ càng tạo ra giá trị. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để gia tăng, tạo lập thêm giá trị cho nguồn tài nguyên này; đặc biệt là ứng dụng trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về xây dựng bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong hoạch định chính sách để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”- Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Tô Lâm hoan nghênh và biểu dương các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã rất tích cực, chủ động trao đổi, thảo luận, xây dựng dự thảo Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 giữa hai bộ, đề xuất tổ chức Lễ ký kết phối hợp triển khai Đề án 06. Đây là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa sự phối hợp của hai bộ trong chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ, bảo đảm bám sát lộ trình.
Đặc biệt, ngày 29/6/2023, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số. Tại Hội nghị, lãnh đạo hai bộ đã thống nhất tăng cường phối hợp trong việc khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để hỗ trợ công tác quản lý, công tác tham mưu, hoạch định các chính sách,… thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và an ninh.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch phối hợp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ các hoạt động quân sự, quốc phòng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin đã được chuẩn hóa đến từng cá nhân và được bổ sung, cập nhật thường xuyên hằng ngày, hằng giờ, theo thời gian thực, nên bảo đảm độ chính xác cao và ngày càng được bổ sung, “làm giàu” trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành; những biến động về dân cư trên các khu vực, địa bàn, vùng miền cũng được phân tích, đánh giá và dự báo, từ đó sẽ cung cấp thông tin chính xác cho việc xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch quân sự, quốc phòng trên phạm vi cả nước cũng như theo từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể.
Hiệu quả rõ rệt có thể thấy từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ phân tích chính xác dữ liệu dân cư đến độ tuổi, phục vụ nghĩa vụ quân sự, giúp cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chủ động trong công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, giao chỉ tiêu cho các địa phương, cơ sở theo định kỳ hàng năm, qua đó nắm chắc số lượng công dân đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự để gửi thông báo, cũng như theo dõi, không để xảy ra tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Đẩy mạnh việc tra cứu, xác thực thông tin công dân trên cổng dịch vụ công của Bộ Quốc phòng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, dịch vụ công đang được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền.
Phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nâng cao phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh nói riêng, trước mắt tập trung phối hợp rà soát, xác định văn bản quy phạm pháp luật liên quan ngay sau khi Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) ban hành để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm việc chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống sang môi trường điện tử.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng phối hợp trong công tác giám sát an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu tấn công, xâm nhập phá hoại, lấy cắp dữ liệu, nhất là các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia.
“Hai bộ cũng cần phối hợp chặt chẽ trong khai thác các tiện ích từ Đề án 06 phục vụ các nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; quản lý xuất nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là ở các địa bàn biên giới phức tạp về an ninh trật tự; khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý dân cư biên giới, ngư dân trên biển góp phần giúp các lực lượng chức năng theo dõi chặt chẽ di biến động của người dân trên địa bàn mình quản lý, nhanh chóng xác định số đối tượng có tiền án, tiền sự, có quyết định truy nã từ nơi khác đến.
Chia sẻ dữ liệu chuyên ngành về thông tin lý lịch tư pháp, trích lục tiền án, tiền sự, đối tượng cấm xuất nhập cảnh; đối tượng có hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”- Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị.
Bài viết liên quan
Bộ TT&TT phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024
23-09-2024
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Bộ nhận diện này được đăng tải trên Cổng Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ: https://dx.gov.vn.
Lùi thời điểm tắt sóng 2G đến ngày 15/10
23-09-2024
Ngày 13/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT liên quan đến quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT. Với Thông tư này, thời điểm tắt sóng 2G đã được lùi lại một tháng, đến ngày 15/10/2024.
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
23-09-2024
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.