Chip trên căn cước có công nghệ xác thực thông qua vân tay hoặc khuôn mặt
Tiếp tục chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, sáng 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số khoa học, đại chúng, giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.
Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi… Do đó, việc đổi tên Luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật.
Từ những vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.
Về trung tâm dữ liệu quốc gia (quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 10, khoản 5 Điều 11 và khoản 3 Điều 12), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm dữ liệu quốc gia nên quy định việc kết nối với các cơ sở dữ liệu là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể khi luật đã giao nhiệm vụ.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho bổ sung khoản 19 Điều 3 quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật.
Về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV), có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi.
Thường trực UBQPAN cho biết, theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập và truy xuất dữ liệu…
Theo Minh Khôi/ Bảo vệ pháp luật.
Bài viết liên quan
Bộ TT&TT phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024
23-09-2024
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Bộ nhận diện này được đăng tải trên Cổng Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ: https://dx.gov.vn.
Lùi thời điểm tắt sóng 2G đến ngày 15/10
23-09-2024
Ngày 13/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT liên quan đến quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT. Với Thông tư này, thời điểm tắt sóng 2G đã được lùi lại một tháng, đến ngày 15/10/2024.
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
23-09-2024
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.