Chuyển đổi số - yêu cầu bắt buộc trong kinh doanh bất động sản
"Chốt đơn" bất động sản trên TikTok
Báo cáo về thị trường người dùng smartphone tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2026 của Insider Intelligence cho thấy, trong năm 2022, lượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam đạt khoảng 62,8 triệu người, tăng 3,6% so với năm trước và chiếm 96% lượng người dùng internet trên cả nước. Số lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên. Tỷ lệ sở hữu nhà ở những người trẻ từ 25 đến 34 tuổi cũng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Do đó, việc bán bất động sản thông qua các ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết từ năm 2020, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam đã bắt đầu được số hóa. Các sản phẩm công nghệ cao chính là công cụ tối ưu hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm bất động sản, quản lý kinh doanh bất động sản và giao dịch nhanh chóng, tiện lợi.
Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ người dùng/khách hàng như công nghệ thực tế ảo (VR) hay thực tế ảo tăng cường (AR) giúp người mua không phải tốn quá nhiều chi phí vẫn có thể tiếp cận với sản phẩm bất động sản và có đánh giá sơ bộ. Thay vì phải đến tận nơi xem dự án, người mua có thể trải nghiệm hoàn chỉnh sản phẩm với không gian 3D chân thực.
Ngoài ra, mạng xã hội TikTok cũng đang trở thành một kênh kinh doanh bất động sản tiềm năng. Thuật toán của TikTok đề cử các video theo sở thích của người dùng giúp môi giới bất động sản nhanh chóng tiếp cận với các đối tượng khách hàng tiềm năng tại thời điểm hiện tại và trong tương lai. Hàng nghìn giao dịch đã được kết nối thông qua ứng dụng này. Các giao dịch có nguồn gốc từ tài khoản TikTok thậm chí chiếm toàn bộ công việc kinh doanh của một số môi giới.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính nhận định, khi ứng dụng công nghệ vào bất động sản khách hàng có thể ngồi tại nhà, hoặc ở bất cứ đâu cũng có thể tìm hiểu về một sản phẩm bất động sản theo nhu cầu mình đang tìm hiểu, cần mua. Ngược lại, bên cung cấp dự án, nhà môi giới cũng sẽ tương tác với khách hàng hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ. Nhờ công nghệ, khách hàng có thể giảm được chi phí, giảm được thời gian và tìm được sản phẩm bất động sản phù hợp nhu cầu. Nói cách khác, công nghệ làm tăng khả năng tiếp cận thị trường của người mua, tăng cơ hội về kinh doanh và tăng doanh số cho doanh nghiệp.
Không ứng dụng công nghệ sẽ tụt hậu
Theo nhận định của một số môi giới bất động sản, ứng dụng công nghệ về bất động sản hiện nay vẫn còn khá rời rạc, đơn điệu, chưa có tính tích hợp. Một số ứng dụng chỉ chuyên về giới thiệu đất nền hoặc một website thuần túy về mua bán đất dự án. Trong khi đó, khách hàng cần một ứng dụng công nghệ có tích hợp đầy đủ về sản phẩm, chính sách bán hàng, khuyến mãi, quy hoạch,...
TS. Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế cho rằng, hệ sinh thái công nghệ cho bất động sản là rất cần thiết, nếu không đầu tư ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng tụt hậu, không khai thác hết được khách hàng. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển đổi không hề dễ dàng.
Khó khăn đầu tiên và lớn nhất chính là cơ sở hạ tầng chưa hỗ trợ tốt cho các ứng dụng công nghệ, các đơn vị tham gia còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp bất động sản chưa hiểu rõ về công nghệ, đơn vị công nghệ lại không hiểu về công việc đặc thù của ngành bất động sản. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công nghệ rất lớn và không phải nhà kinh doanh nào cũng chấp nhận, vì tại Việt Nam đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, dữ liệu của lĩnh vực bất động sản còn thiếu, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến địa phương và cả chủ đầu tư.
Nếu muốn tiến vào kỷ nguyên số, theo ông Nhân, đầu tiên phải thay đổi dần nhận thức của các chủ thể về vai trò của ứng dụng công nghệ trong kinh doanh bất động sản. Tiếp đến, doanh nghiệp cần một lộ trình trung và dài hạn nhằm xây dựng nền móng công nghệ vững chắc, phải chọn đúng công nghệ đáp ứng nhu cầu và lộ trình phải qua từng giai đoạn giúp các doanh nghiệp bất động sản từng bước nâng cao năng lực công nghệ. Chi phí ứng dụng công nghệ với một doanh nghiệp rất lớn, nếu không có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau sẽ khó đầu tư, áp dụng; đồng thời, có sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan Nhà nước.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính khuyến nghị, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, nhận thức trong các chiến lược hoạt động kinh doanh của mình; trong đó công nghệ phải là yếu tố bắt buộc. Các nền tảng bất động sản công nghệ phải hướng đến mục tiêu vì cộng đồng, vì thị trường, đảm bảo tính công khai và minh bạch. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng về phát triển công nghệ, có quy định về xử lý thông tin; cần mã hóa bất động sản để theo dõi lịch, biến động thị trường thế nào.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn
Bài viết liên quan
Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu triển khai toàn diện và trọng tâm dịch vụ bưu chính
22-10-2024
Ngày 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu (GTEL), Bộ Công an và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VIETNAM POST).
Hội thảo "Triển khai phần mềm khai báo lưu trú trên Hệ thống quản lý lưu trú ASM" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
17-10-2024
Chiều ngày 10/10/2024 tại Sở du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo "Triển khai phần mềm khai báo lưu trú trên Hệ thống quản lý lưu trú ASM"...
Bộ TT&TT phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024
23-09-2024