Tổng doanh thu viễn thông năm 2023 chỉ tăng 0,41%
Năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139,26 nghìn tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023…
Con số trên cũng như số liệu thống kê các năm trước đó trong báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho thấy doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm qua gần như không tăng trưởng, và ở mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây. Điều này cũng phản ánh đúng xu hướng trên thế giới, là dịch vụ viễn thông truyền thống đã đến ngưỡng bão hòa và không còn dư địa tăng trưởng, trong khi đó các không gian tăng trưởng mới như chuyển đổi số, dịch vụ số, IoT… của các doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa thể trở thành lực đỡ trong bức tranh doanh thu của doanh nghiệp viễn thông.
Cùng mức độ tăng trưởng doanh thu trên, theo đó nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực viễn thông ước đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 0,27% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 93% so với kế hoạch năm 2023.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ước đạt 79,4% tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94,2% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ người sử dụng Internet ước đạt 78,59%, tăng 4,09% so với năm 2022. Số thuê bao sử dụng smartphone ước đạt 100,1 triệu, tăng 5,7% so với năm 2022.
Tỷ lệ người dùng smartphone/người dùng điện thoại di động ước đạt 84,4%, cao hơn tỷ lệ trung bình quốc tế (trung bình quốc tế: 63% theo nguồn báo cáo của Statista). Có 42/63 (chiếm 75%) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch phát triển Hạ tầng số.
Số thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 85,5 thuê bao/100 dân), tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 95,4% kế hoạch năm 2023. Tốc độ băng rộng cố định tháng 10/2023 (theo Ookla) đạt 104,08 Mbit/s, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 xếp thứ 41/181 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết tốc độ truy cập Internet băng rộng di động tháng 10/2023 (theo Ookla) 44,92 Mbit/s, tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57/181 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trên mạng Internet Việt Nam ước đạt 60%, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,7 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam tăng 1 bậc, vượt qua Mỹ, đứng thứ 9 toàn cầu (trên một số nước lớn khác như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Nhật Bản, Úc, Canada...); thứ 2 ASEAN, thứ 3 châu Á (sau Ấn Độ, Malaysia). Có 82/85 (96%) bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6, Chuyển đổi IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, Dịch vụ công: 75/85 (88%) bộ, ngành, địa phương (vượt chỉ tiêu 2023).
Đối với việc thúc đẩy, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong công tác chuyển đổi sang thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 theo Chương trình IPv6 For Gov, đạt kết quả tốt: 41 Bộ, ngành, địa phương có kết quả mới trong chuyển đổi IPv6 trong năm 2023, đạt 81/85 (94%) Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch; đạt 75/85 (87%) Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, dịch vụ công, tăng trưởng 14%.
Tỷ lệ triển khai công nghệ xác thực tài nguyên mạng (RPKI) trên mạng Internet Việt Nam (RPKI/ROA) đạt 88%, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước (vượt 8% so với chỉ tiêu năm 2023). Số lượng tên miền quốc gia .VN lũy kế đạt 607.000 tên miền, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2% so với chỉ tiêu năm 2023 đến thời điểm báo cáo.
Đối với việc chuẩn hóa thông tin thuê bao bảo đảm thông tin thuê bao đúng - trùng khớp với thông tin được đối soát trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đến tháng 10/2023 đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xử lý khoảng 10 triệu thuê bao thuộc tập đứng tên ≥ 10 SIM/1 giấy tờ.
Với dịch vụ Mobile Money, sau hai năm triển khai thí điểm, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đạt được mục tiêu về việc góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, cũng như đảm bảo việc thí điểm dịch vụ an toàn, đúng quy định.
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhiệm vụ trọng tâm đối với lĩnh vực viễn thông với mục tiêu tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 21 tỷ USD. Thị phần dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nội địa đạt 50%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 84%. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 76%...
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, ban hành Thông tư quy hoạch băng tần 850 MHz, 900 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam; thông tư quy hoạch băng tần 1800MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Đồng thời triển khai kế hoạch thương mại hoá 5G. Đấu giá băng tần 2600/3700 MHz cho thông tin di động IMT. Thực hiện cấp lại giấy phép băng tần 900/1800/2100MHz cho các doanh nghiệp thông tin di động…
Theo Thủy Diệu/tạp chí điện tử.
Bài viết liên quan
Bộ TT&TT phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024
23-09-2024
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024, Bộ TT&TT đã chính thức ban hành bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Bộ nhận diện này được đăng tải trên Cổng Chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ: https://dx.gov.vn.
Lùi thời điểm tắt sóng 2G đến ngày 15/10
23-09-2024
Ngày 13/9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT liên quan đến quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT. Với Thông tư này, thời điểm tắt sóng 2G đã được lùi lại một tháng, đến ngày 15/10/2024.
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
23-09-2024
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu.