Trình tự cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi
Cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi được chia thành hai trường hợp: Thứ nhất cho trẻ dưới sáu tuổi, thứ hai cho trẻ từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi.
Theo Luật Căn cước, kể từ ngày 1-7 trẻ dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước, thay vì trước đây CCCD không có quy định này.
Trước thông tin này, một số bạn đọc đã có một số thắc mắc liên quan như việc cấp thẻ sẽ được diễn ra thế nào, thông tin cần thu thập và trình tự thực hiện có giống đối với người từ đủ 14 tuổi không? Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi sẽ mang lại lợi ích gì?…
Trẻ có phải đến trực tiếp nơi cấp thẻ căn cước?
Bạn đọc Phương Lê (TP.HCM) cho biết bản thân rất ủng hộ quy định cho phép cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, bởi việc này sẽ mang lại một số thuận tiện trong đời sống. Chẳng hạn khi trẻ có căn cước sẽ đơn giản hóa các thủ tục đi máy bay, tàu hỏa và làm một số thủ tục hành chính khác.
Bên cạnh đó, chị Phương Lê cũng thắc mắc rằng liệu quy trình để được cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi có giống với người từ đủ 14 tuổi hay không?
“Quy trình cấp thẻ căn cước cho người lớn thì tôi được biết sẽ tương tự như CCCD trước đây, chỉ là bổ sung thêm thu nhận mống mắt. Còn đối với trẻ nhỏ thì sao, thủ tục có giống như cấp cho người lớn hay phải thực hiện nhiều bước hơn. Tôi chỉ e ngại thủ tục nhiều hơn, phức tạp hơn thôi” - bạn đọc Phương Lê nói.
Nếu có căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi thì khi đi máy bay không cần phải mang theo giấy khai sinh. Ảnh: THANH TRANG
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Ngọc Phượng (TP.HCM) cũng đồng tình với việc sẽ cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Thế nhưng chị Phượng thắc mắc là trẻ có cần phải đến trực tiếp cơ quan chức năng thực hiện cấp thẻ hay không?
“Tôi có một bé trai bốn tuổi, đến ngày 1-7 khi Luật Căn cước có hiệu lực và có thông báo cụ thể thì tôi sẽ đi làm thẻ căn cước cho con. Trẻ nhỏ có thẻ căn cước sẽ rất thuận tiện trong các thủ tục hành chính, đi máy bay. Hoặc là sau này khi đến gần kỳ thi tốt nghiệp THCS, không phải vừa lo ôn thi vừa lo làm căn cước mới được dự thi. Tôi cũng nghe thông tin là trẻ dưới sáu tuổi, khi làm thẻ căn cước thì không phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin trắc sinh học, nên không cần phải đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện, không biết điều này có đúng không?” - bạn đọc Ngọc Phượng nêu.
Hai trường hợp cấp thẻ cho trẻ dưới 14 tuổi
Trao đổi với PV, luật sư (LS) Hoàng Anh Sơn, Đoàn LS TP.HCM, cho biết theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Theo đó, người dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước, trước đây chưa có quy định này.
Đồng thời, tại Điều 23 Luật Căn cước cũng quy định rõ trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Cụ thể, việc cấp thẻ sẽ được phân thành hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, cấp thẻ căn cước đối với người dưới sáu tuổi. Trường hợp này người đại diện hợp pháp sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới sáu tuổi, thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Nếu người dưới sáu tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới sáu tuổi.
Trường hợp thứ hai, cấp thẻ căn cước cho người từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi. Trường hợp này, người từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học (bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt) theo quy định.
Người đại diện hợp pháp của người từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Trường hợp người dưới 14 tuổi bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục theo quy định…
“Như vậy, so với quy trình cấp thẻ cho người từ đủ 14 tuổi, thì người dưới 14 tuổi có vài điểm khác. Chẳng hạn, trẻ dưới sáu tuổi do không phải thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học nên chỉ cần làm thủ tục qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan.
Với trẻ từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ thực hiện quy trình giống với người từ đủ 14 tuổi, chỉ cần trẻ cùng người đại diện hợp pháp (cha, mẹ, ông, bà…) đến cơ quan để thu nhận thông tin, còn việc thực hiện thủ tục sẽ do người đại diện hợp khác làm thay trẻ” - LS Hoàng Anh Sơn nói.
Theo Huỳnh Thơ/Pháp Luật.
Bài viết liên quan
Hội nghị xúc tiến triển khai phần mềm quản lý lưu trú ASM trên địa bàn Hải Phòng
30-11-2024
Chiều 29/11, tại hội trường Trung tâm hội nghị, Nhà khách Quân khu 3, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với CATP tổ chức Hội nghị xúc tiến triển khai phần mềm quản lý lưu trú ASM trên địa bàn Hải Phòng. Dự hội nghị có các đồng chí: Thiếu tá Trần Duy Hiển-Phó Giám đốc trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, kiêm Giám đốc Trung tâm RAR, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an; Thượng tá Trịnh Tuấn Anh - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Hải Phòng; Trung tá Lê Cảnh Duy - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Gtel; đại diện một số sở, ban, ngành thành phố; Công an các đơn vị, địa phương và đại diện các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố.
Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu triển khai toàn diện và trọng tâm dịch vụ bưu chính
22-10-2024
Ngày 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu (GTEL), Bộ Công an và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VIETNAM POST).
Hội thảo "Triển khai phần mềm khai báo lưu trú trên Hệ thống quản lý lưu trú ASM" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
17-10-2024
Chiều ngày 10/10/2024 tại Sở du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo "Triển khai phần mềm khai báo lưu trú trên Hệ thống quản lý lưu trú ASM"...